Thông tư 06/2023/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 01/09/2023 đang là chủ đề nóng nhất với lĩnh vực bất động sản

18/08/2023
saotho.net
0

Để tăng tính minh bạch cho thị trường vốn vay và thị trường tín dụng cho vay, xử lý triệt để công ty sân sau sân trước...Ngân hàng nhà nước đã ban hành Thông tư 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016/TT-NHNN về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

  • Thông tư 06 quy định tổ chức tín dụng không được cho vay đối với các dự án bất động sản đang bị cơ quan nhà nước thanh tra, kiểm tra, điều tra hoặc truy tố, điều này sẽ làm khó khăn cho các nhà đầu tư bất động sản trong việc huy động vốn để triển khai dự án.
  • Thông tư 06 quy định tổ chức tín dụng phải thẩm định khả năng trả nợ của khách hàng trước khi cho vay, điều này sẽ làm tăng chi phí cho vay của các doanh nghiệp bất động sản và người dân.

Thông tư này bổ sung 4 trường hợp khách hàng không được vay tín dụng từ ngân hàng. Cụ thể 4 trường hợp như sau:

  • Không được vay để gửi tiền.
  • Không được vay để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom.
  • Không được vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật tại thời điểm tổ chức tín dụng quyết định cho vay.
  • Không được vay để bù đắp tài chính, trừ trường hợp khoản vay đáp ứng một số điều kiện đi kèm.

Một số ý kiến cho rằng Thông tư 06 đã được ban hành nhằm kiểm soát rủi ro trong hoạt động cho vay bất động sản, tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng Thông tư 06 đã quá chặt chẽ và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của thị trường bất động sản. Cụ thể như sau:

Tiền sử dụng đất và tiền chi phí hạ tầng chiếm đến 60 - 70% tổng mức đầu tư dự án. Nếu vay được vốn để trang trải ngay từ khâu này thì dự án mới có hy vọng làm các bước tiếp theo, lúc đó bước tiến đến tiếp theo mới là "đủ điều kiện đưa vào kinh doanh". Còn nếu không sẽ không khác gì chưa bơm nhiên liệu mà đã muốn xe nổ máy chạy về đích.

Hơn nữa trong bối cảnh hiện nay khi 90% dự án đang chờ hoàn thiện pháp lý thì việc phải "đủ điều kiện đưa vào kinh doanh" mới được vay vốn sẽ gây khó cho hầu hết các dự án muốn tiếp cận nguồn vốn vay. Bởi nội dung "đủ điều kiện đưa vào kinh doanh" chưa thật sự rõ ràng.

HoREA (Hiệp hội Bất động sản TP.HCM) cũng đề nghị sửa đổi quy định “các chi phí thực hiện dự án hoạt động kinh doanh này phát sinh dưới 24 (hoặc 36) tháng, tính đến thời điểm tổ chức tín dụng quyết định cho vay” để phù hợp với tình hình thực tiễn của thị trường bất động sản do “vướng mắc pháp lý” chiếm đến 70% khó khăn mà không phải do lỗi của doanh nghiệp…

Trước khá nhiều ý kiến trái chiều cả của các chuyên gia và giới phân tích thì Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký công văn hoả tốc số 746/TTg-KTTH ngày 16/8 giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái họp ngay với NHNN và các cơ quan liên quan để nghiên cứu sửa đổi Thông tư 06/2023/TT-NHNN, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp.

Toàn văn thông tư 06/2023/TT-NHNN quý độc giả có thể xem và download tại link: Thông tư 06/2023/TT-NHNN

Từ nay cho đến trước khi thông tư 06 có hiệu lực thì các bộ ban ngành sẽ có nhiều các cuộc họp và thông tin thao gỡ những băn khoăn thắc mắc mới. Saotho.net sẽ liên tục cập nhật đến cho quý đọc giả. Xin mời quý độc giả đón theo dõi.